Theo nghiên cứu thì tỷ lệ phụ nữ bị tiểu không tự chủ gấp đôi so với nam giới. Tuy bệnh không gây nguy hiểm sức khỏe, nhưng là một gánh nặng tâm lý làm ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống. Vậy tiểu không tự chủ là tình trạng như thế nào?Làm thế nào chẩn đoán được tiểu không tự chủ? Những biện pháp nào có thể áp dụng tại nhà để điều trị tiểu không tự chủ? Bài viết sau đây sẽ cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích !

Tiểu không tự chủ là tình trạng như thế nào? 

Tiểu không tự chủ (tiểu són, tiểu không kiểm soát) là tình trạng bàng quang mất kiểm soát, gây rò rỉ nước tiểu. 

Không tự chủ có thể xảy ra khi các cơ bàng quang đột nhiên thắt chặt và các cơ vòng không đủ mạnh để chèn ép niệu đạo. Chỉ cần một kích thích nhẹ như cười, ho, cười, hắt hơi là bạn đã không thể kiểm soát được, đôi khi còn són tiểu ra quần.

tieu-khong-tu-chu.jpg

Tiểu không tự chủ do tình trạng bàng quang mất kiểm soát, gây rò rỉ nước tiểu

Làm thế nào để chẩn đoán được tiểu không tự chủ?

Các chuyên gia sẽ hỏi về các triệu chứng và tiền sử bệnh của bạn, bao gồm:

- Tần suất đi tiểu

- Lưu lượng mỗi lần đi tiểu 

- Những thuốc bạn đang sử dụng

- Thói quen sinh hoạt của bạn 

- Bạn có đang mang thai hay có những thay đổi về tâm lý 

Một số xét nghiệm sau đây thường được tiến hành khi các chuyên gia nghi ngờ bạn mắc chứng bệnh tiểu tiện không tự chủ:

- Xét nghiệm nước tiểu: Mục đích của xét nghiệm này là xem nước tiểu của bạn có nhiễm trùng không hoặc phát hiện các nguyên nhân khác có thể gây tiểu không tự chủ. 

- Siêu âm: Kỹ thuật được áp dụng để kiểm tra chức năng thận, bàng quang và niệu đạo. 

- Những xét nghiệm khác để kiểm tra xem bạn có đang mắc hội chứng kích thích bàng quang hay không. 

- Nội soi bàng quang: Một ống nhỏ có kèm máy ảnh được chèn vào niệu đạo và bàng quang của bạn để phát hiện các mô bị hỏng.

Ngoài ra, các chuyên gia có thể yêu cầu bạn ghi chép nhật ký đi tiểu hàng ngày để theo dõi tình trạng của bạn. 

ghi-chep_thong-tin-di-tieu.jpg

Ghi chép nhật ký đi tiểu hàng ngày để theo dõi tình trạng đi tiểu của bạn

Tại sao phụ nữ khi mang thai, sau khi sinh con hoặc sau thời kỳ mãn kinh thường mắc chứng tiểu không tự chủ?

Có 4-10 phụ nữ bị tiểu không tự chủ khi mang thai. Nguyên nhân là do em bé trong bụng gây áp lực cho bàng quang, có thể làm yếu cơ sàn chậu và dẫn đến tiểu không tự chủ. Nhưng tình trạng này thường biến mất sau khi sinh con, nên bạn không cần quá lo lắng nếu như đang ở trong tình trạng này. 

Trong quá trình chuyển dạ và sinh nở, đặc biệt là sinh thường, có thể làm suy yếu các cơ sàn chậu và tổn thương các dây thần kinh kiểm soát bàng quang. 

Ngoài ra, một số phụ nữ có thể gặp tình trạng này khi mãn kinh, nguyên nhân là do hàm lượng estrogen giảm sau khi mãn kinh có thể làm suy yếu niệu đạo. Ngoài ra, giống như tất cả các cơ, cơ bàng quang và niệu đạo sẽ suy yếu khi bạn già đi do quá trình lão hóa tự nhiên, khiến bạn thường mắc tiểu không tự chủ.

5 biện pháp có thể sử dụng tại nhà để điều trị tiểu không tự chủ hiệu quả 

Tiểu không tự chủ thường gây ảnh hưởng tâm lý và giảm chất lượng cuộc sống. Nhưng mọi người thường không tìm cách chữa trị mà chọn cách sống chung với tình trạng này. Ít ai biết rằng những thói quen sinh hoạt hàng ngày có thể làm giảm tiểu không tự chủ. Dưới đây là một số phương pháp bạn có thể áp dụng ngay tại nhà:

Bài tập cơ sàn chậu 

Sàn chậu là một cơ có tác dụng hỗ trợ bàng quang. Các bài tập giúp cải thiện độ dẻo dai của cơ sàn chậu là một trong những phương pháp không phẫu thuật phổ biến nhất để điều trị tiểu không tự chủ.

bai-tap-kegel.jpg

Luyện tập theo bài tập kegel

Giảm cân

Béo phì làm tăng áp lực lên bàng quang và các cơ bên cạnh, điều này có thể dẫn đến tiểu không tự chủ. Nếu bạn thừa cân, hãy lập ra một kế hoạch giúp kiểm soát cân nặng cũng như chọn lựa các thực phẩm lành mạnh và hoạt động thể chất thường xuyên. 

Thay đổi thói quen ăn uống của bạn

Cà phê hoặc đồ uống có gas có thể làm tình trạng tiểu không tự chủ tồi tệ hơn. Vì thế, hãy hạn chế hết mức có thể việc sử dụng các đồ uống này. 

Không hút thuốc lá 

Thuốc lá luôn là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến tình trạng sức khỏe của bạn tồi tệ hơn, bao gồm tiểu không tự chủ. 

Điều trị táo bón

Táo bón có thể gây căng thẳng hoặc áp lực lên cơ bàng quang và sàn chậu, làm nặng hơn triệu chứng tiểu không tự chủ. Vì thế, hãy ăn nhiều chất xơ để cải thiện tình trạng táo bón.