Những người mắc hội chứng bàng quang kích thích thường có cảm giác căng bàng quang và luôn mắc tiểu, cần vào nhà vệ sinh ngay lập tức. Nguyên nhân gây ra tình trạng này là do các cơ bàng quang bị co thắt, không kiềm chế được hoạt động bài tiết, vì thế dẫn đến những rối loạn tiểu tiện như tiểu nhiều lần, tiểu gấp, tiểu đêm. Bài viết sau sẽ cung cấp cho bạn một số cách kiểm soát co thắt bàng quang khi bị hội chứng kích thích. 

Hội chứng bàng quang kích thích là gì?

Bàng quang kích thích (hay còn gọi là bàng quang tăng hoạt) là tình trạng bàng quang co bóp quá mức gây ra những triệu chứng như:

- Tiểu gấp: Tiểu một cách đột ngột, cần phải đi tiểu ngay và rất khó có thể nhịn được. 

- Tiểu nhiều lần: Bệnh nhân đi tiểu nhiều hơn 8 lần/ngày.

- Tiểu đêm: Bệnh nhân thường phải thức dậy nhiều hơn một lần để đi tiểu.

- Tiểu gấp không kiểm soát: Bệnh nhân thường tiểu không tự chủ kèm theo sau cảm giác tiểu gấp, còn gọi là tiểu són. 

Cách kiểm soát co thắt bàng quang khi bị hội chứng bàng quang kích thích 

Những người bị co thắt bàng quang thường không cảm nhận được bàng quang căng lên từ từ, vì thế họ phải có phải đi tiểu ngay khi có cảm giác buồn tiểu, gây ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống, công việc và tâm lý. Bài tập dưới đây có thể giúp bạn kiểm soát co thắt bàng quang, giảm các triệu chứng của hội chứng bàng quang kích thích. 

Tăng cường cơ vùng chậu 

Bài tập Kegel, còn gọi là bài tập sàn chậu, có tác dụng tăng cường sự dẻo dai của những cơ vùng chậu hỗ trợ bàng quang. Bài tập này có thể dành được cho cả nam và nữ. Để bắt đầu rèn luyện cơ sàn chậu, đầu tiên bạn cần xác định đúng vị trí nhóm cơ bằng cách cố gắng ngăn dòng nước tiểu khi bạn muốn đi vệ sinh. Khi đó bạn có thể cảm nhận được một trong các phần cơ hỗ trợ vùng chậu và bàng quang. Tuy nhiên không nên nhịn tiểu lâu vì có thể gây nên một số vấn đề khác như viêm nhiễm đường tiết niệu.

bai-tap-kegel.jpg 

Bài tập kegel cải thiện hiệu quả bàng quang tăng hoạt

Trao đổi với bác sĩ 

Bác sĩ hoặc những nhà vật lý trị liệu có thể giúp bạn tìm phương pháp nhận diện nhóm cơ cần tập luyện để tăng cường cơ bắp sàn chậu. 

- Sau khi tìm đúng nhóm cơ, bạn cần lưu ý không được co, hoặc thắt các nhóm cơ khác trong lúc tập luyện. Việc co thắt nhóm cơ khác chỉ làm tăng áp lực lên bàng quang, làm nặng thêm triệu chứng bệnh của bạn. 

- Ngoài ra không nên nín thở trong lúc tập luyện, vì hành động này có thể khiến cho bàng quang phải co thắt nhiều hơn. 

Tập luyện thường xuyên với nhiều tư thế khác nhau

Bạn nên tập luyện các bài tập cơ vùng chậu ba lần một ngày với ba tư thế khác nhau:

- Thực hiện bài tập ở tư thế nằm, ngồi, đứng 

- Thắt cơ trong vòng ba giây, sau đó thư giãn ba giây. Lặp lại động tác từ 10 đến 15 lần ở mỗi tư thế. 

- Khi đã quen với nhịp điệu, bạn có thể kéo dài thời gian co thắt cơ. 

Kiên trì 

Có thể bạn phải mất hai tháng mới nhận thấy tình trạng co thắt bàng quang được cải thiện về mặt tần suất và hiệu quả lên bàng quang. Vì thế, bạn cần kiên trì trong quá trình tập luyện, không được bỏ cuộc giữa chừng. Bạn cũng nên lưu ý rằng, việc tăng cường cơ bắp vùng chậu bằng hình thức tập luyện chỉ là một phần trong toàn bộ kế hoạch chữa trị nhằm cải thiện hoặc khắc phục triệt để tình trạng co thắt bàng quang.