Tiểu són là vấn đề thường gặp phổ biến trong xã hội ngày nay và gây ra không ít phiền toái, ảnh hưởng tới tâm lý, chất lượng cuộc sống của người bệnh. Để hiểu rõ như thế nào là tiểu són? Nguyên nhân, cơ chế gây bệnh ra sao? Các phương pháp điều trị và phòng bệnh bằng cách nào? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!
Tìm hiểu tình trạng tiểu són là gì?
Tiểu són (tiểu không tự chủ) là tình trạng đi tiểu mất kiểm soát, nước tiểu bị rò rỉ ra ngoài một cách vô ý trước khi đi vệ sinh. Điều này gây ảnh hưởng khá lớn tới đời sống sinh hoạt và tâm lý của người bệnh. Họ luôn cảm thấy xấu hổ và lo lắng bởi nước tiểu có thể chảy ra ngoài bất cứ lúc nào.
Bình thường, khi bàng quang chứa đầy nước tiểu thì cơ thắt cổ bàng quang giãn ra, nhưng cơ vòng niệu đạo vẫn đóng chặt để không cho nước tiểu chảy vào. Khi đó, các tín hiệu thần kinh được truyền lên não, báo hiệu cho bạn là cơn buồn tiểu sắp đến. Nếu bạn đã sẵn sàng đi tiểu thì cơ vòng niệu đạo sẽ giãn ra, hệ thống cơ bàng quang thực hiện co bóp để đào thải nước tiểu ra ngoài một cách tự chủ. Ở những người bị són tiểu thì do một nguyên nhân nào đó đã khiến cho cơ niệu đạo giãn ra và cơ bàng quang co bóp không kiểm soát, làm cho nước tiểu bị đẩy ra ngoài trước khi người bệnh có cảm giác buồn đi tiểu.
Mức độ són tiểu có thể thay đổi từ việc chỉ són ra một ít nước tiểu nhỏ khi ho, hắt hơi, chạy nhảy hay mang vác nặng,... đến mức són một lượng lớn nước tiểu mà cơ thể không thể kiểm soát được.
Tiểu són gây ảnh hưởng nhiều tới chất lượng cuộc sống của người bệnh
Những nguyên nhân gây són tiểu thường gặp
Tiểu són không hẳn là một bệnh, nguyên nhân có thể là do lối sống, vấn đề sức khỏe hoặc tác dụng phụ của phương pháp điều trị nào đó gây ra.
Tiểu són tạm thời do lối sống
- Do thói quen lạm dụng một số loại đồ ăn, thức uống làm tăng lượng nước tiểu, kích thích bàng quang như: Bia rượu, caffeine, nước khoáng có ga, chất ngọt nhân tạo, sôcôla, thức ăn chứa nhiều gia vị, đường, acid, các trái cây họ cam quýt.
- Do thói quen đi tiểu không hết khiến lần sau bàng quang nhanh chóng đầy và tự động đẩy nước tiểu ra ngoài.
- Do sử dụng nhiều các thuốc điều trị có tác dụng lợi tiểu, kích thích bàng quang như: Thuốc điều trị bệnh tim và hạ huyết áp, thuốc giãn cơ, an thần, vitamin C liều cao,…
Tiểu són thường xuyên do bệnh lý hoặc các thay đổi sinh lý
Tiểu són thường là triệu chứng xuất hiện ở người mắc bệnh đường tiết niệu. Ngoài ra, một số bệnh lý khác cũng có thể là nguyên nhân. Cụ thể:
- Nhiễm trùng đường tiết niệu như viêm niệu đạo, viêm bàng quang,...
- Các bệnh lý do tuyến tiền liệt như tăng sản lành tính tuyến tiền liệt, ung thư tiền liệt tuyến,… là nguyên nhân phổ biến gây són tiểu ở nam giới.
- Do sỏi đường tiết niệu, thường gặp là sỏi bàng quang và sỏi thận, đôi khi sỏi di chuyển từ thận xuống niệu đạo.
- Hội chứng bàng quang tăng hoạt.
- Khối u vùng tiểu khung gần bàng quang như u xơ tử cung, u trực tràng hoặc bệnh sa tử cung, sa trực tràng,… có thể chèn ép, xâm lấn, ngăn chặn dòng nước tiểu bình thường hoặc kích thích bàng quang gây ra són tiểu.
- Các bệnh lý gây rối loạn thần kinh ảnh hưởng tới phản xạ đi tiểu như: Bệnh đa xơ cứng, đột quỵ, u não, bệnh Parkinson, chấn thương cột sống cổ hoặc thắt lưng,…
- Táo bón cũng có thể kích thích phản xạ đi tiểu, gây tiểu són do chèn ép lên bàng quang.
- Ho, hắt hơi lâu ngày có thể tạo phản xạ làm tăng áp lực ổ bụng đột ngột, gây són tiểu.
Bàng quang tăng hoạt là nguyên nhân phổ biến gây tiểu són
>>> Xem thêm: 6 phương pháp điều trị bàng quang tăng hoạt hiệu quả
Tiểu són có thể do các vấn đề thay đổi sinh lý, giải phẫu
Ở những đối tượng là người già và phụ nữ có thể bị tiểu són do sự thay đổi sinh lý như:
- Trong quá trình mang thai có sự thay đổi nội tiết tố hoặc do thai nhi lớn gây chèn ép, kích thích bàng quang.
- Phụ nữ sau mãn kinh, lượng estrogen - hormone giúp giữ cho mô, niêm mạc bàng quang và niệu đạo khỏe mạnh được sản xuất ít hơn, do đó dễ bị tiểu són.
- Do tuổi cao, chức năng hệ tiết niệu và hệ thần kinh chi phối phản xạ đi tiểu dần lão hóa, dẫn đến suy yếu nên dễ bị són tiểu.
- Ngoài ra, tiểu són có thể do tai biến, tác dụng phụ sau phẫu thuật điều trị u tuyến tiền liệt, u bàng quang, cắt tử cung,…
Phân loại, đặc điểm của tình trạng tiểu són
Tùy vào nguyên nhân, cơ chế mà đặc điểm của tình trạng són tiểu ở mỗi người có thể khác nhau. Người ta chia tiểu són thành các loại như sau:
- Tiểu són áp lực: Đặc trưng bởi tình trạng nước tiểu bị rò rỉ ra ngoài, khi người bệnh có hoạt động làm tăng áp lực lên bàng quang như ho, cười, hắt hơi, tập thể dục hoặc nâng vật nặng.
- Són tiểu cấp: Là tình trạng người bệnh có cơn buồn tiểu đột ngột đến mức họ không kịp đến nhà vệ sinh, mặc dù lượng nước tiểu són ra có thể rất ít. Tiểu són loại này có thể xảy ra thường xuyên cả ngày lẫn đêm. Nguyên nhân do bàng quang hoạt động quá mức, thường gặp trong rối loạn thần kinh, nhiễm khuẩn hoặc những người mắc bệnh tiểu đường.
- Tiểu són do bàng quang đầy: Thường gặp phổ biến ở nam giới, biểu hiện bởi tình trạng bàng quang luôn đầy quá mức, nước tiểu rỉ ra ngoài với lượng nhỏ ít một nhưng liên tục.
- Tiểu són hoàn toàn: Chỉ tình trạng đi tiểu không thể kiểm soát được, mặc dù người bệnh đã cố nhịn nhưng nước tiểu vẫn tự chảy ra. Đây là tình trạng nguy hiểm nhất do ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của người mắc. Thường gặp nhiều hơn ở đối tượng là người cao tuổi do các cơ kiểm soát tiểu tiện bị lão hóa.
Phân loại són tiểu dựa trên đặc điểm và cơ chế gây nên
Phương pháp chẩn đoán chứng tiểu són
Để chẩn đoán chính xác chứng tiểu són và nguyên nhân gây ra nó, bạn nên đến gặp các bác sĩ chuyên khoa. Đầu tiên, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn mô tả cụ thể về những triệu chứng đang gặp phải để xác định mức độ và phân loại són tiểu. Bác sĩ có thể hỏi bạn thêm về tiền sử, thói quen sinh hoạt, tiếp đó sẽ thực hiện các nghiệm pháp khám và xét nghiệm như:
- Làm nghiệm pháp áp lực bàng quang: Bác sĩ sẽ bảo bạn ho mạnh hoặc hắt hơi rồi quan sát và đánh giá triệu chứng són tiểu.
- Khám đánh giá phản xạ thần kinh: Phản xạ hành hang, phản xạ hậu môn, phản xạ cơ vòng,…
- Khám hậu môn, trực tràng: Nhằm phát hiện xem có u hay tình trạng sa lồi tạng không.
- Xét nghiệm nước tiểu: Để đánh giá nguyên nhân nhiễm trùng đường tiểu.
- Xét nghiệm khác: Xét nghiệm niệu động học, đo áp lực bàng quang, đo lưu lượng bàng quang.
- Siêu âm, nội soi bàng quang - niệu đạo: Để xác định có sỏi trong hệ tiết niệu không.
Cách trị tiểu són phổ biến hiện nay
Nguyên nhân gây ra tiểu són rất đa dạng, do đó tùy vào từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Các phương pháp điều trị hiện nay có thể cần kết hợp cả thuốc, phẫu thuật, tập luyện và thảo dược bổ trợ.
Cách trị tiểu són bằng thuốc tây
Một số loại thuốc sử dụng trong điều trị tiểu són thường được bác sĩ kê đơn như:
- Các thuốc kháng cholinergic (hyoscyamine, solifenacin,…): Giúp làm giảm co thắt các cơ bàng quang, nhờ đó giảm tình trạng tiểu són do mất kiểm soát bàng quang.
- Thuốc kháng sinh: Một số loại kháng sinh thường sử dụng để điều trị nhiễm trùng đường tiểu như kháng sinh nhóm fluoroquinolon (ofloxacin, levofloxacin,…), augmentin, nhóm cephalosporin,…
- Các thuốc điều trị ho, hắt hơi: Để tránh tăng áp lực lên bàng quang như dextromethorphan, terpin, clophenhydramin,...
- Ở nam giới, tiểu són thường xuất hiện do phì đại tuyến tiền liệt mức độ nhẹ và trung bình thường được kê nhóm thuốc ức chế 5 alpha-reductase (finasteride, dutasteride) hoặc nhóm chẹn alpha-adrenergic (như terazosin, doxazosin, tamsulosin, alfuzosin),... với cơ chế làm giãn cơ cổ bàng quang và các sợi cơ trong tuyến tiền liệt, giúp làm giảm các vấn đề rối loạn tiểu tiện hiệu quả.
- Tiêm Botox: Botox khi vào cơ bàng quang giúp cho bàng quang được thư giãn, tăng khả năng lưu trữ nước tiểu và giảm tình trạng rò rỉ nước tiểu.
Các loại thuốc tây y giúp kiểm soát chứng tiểu són nhanh và hiệu quả
Các bài tập cải thiện tiểu són hiệu quả
- Tập luyện bàng quang: Giúp thay đổi phản xạ đi tiểu bằng cách luyện tập khoảng cách giữa các lần đi tiểu cho người bệnh bị suy giảm nhận thức, mất nhận cảm khi bàng quang đầy. Nhắc nhở thời gian đi tiểu hoặc đặt sonde tiểu (là một ống mềm được luồn tới bàng quang qua niệu đạo để dẫn lưu nước tiểu ra ngoài) rồi kẹp lại, mở ra cho người bệnh đi tiểu theo chu kỳ, ban đầu là mỗi 2-3 giờ/lần rồi tăng dần lên 3-4 giờ/lần khi thức.
- Bài tập kegel: Đây là bài tập giúp tăng cường các cơ vùng chậu, tăng sức khỏe bàng quang, tăng khả năng chứa nước tiểu tại bàng quang, hạn chế tiểu són. Bài tập được thực hiện như sau: Đầu tiên bạn thắt chặt các cơ để ngừng đi tiểu, giữ chúng trong khoảng 5 – 10 giây, sau đó thả lỏng khoảng 10 giây và lặp lại 10 lần. Duy trì bài tập này đều đặn mỗi ngày 3 lần sẽ giúp kiểm soát các triệu chứng của rối loạn chức năng bàng quang.
Các phương pháp phẫu thuật/thủ thuật trị tiểu són
Việc điều trị tiểu són bằng phẫu thuật thường áp dụng đối với các nguyên nhân do ung thư, u xơ hoặc không có hiệu quả với các cách điều trị khác. Một số phương pháp phẫu thuật thường gặp như :
- Phẫu thuật cắt khối u bàng quang, tái tạo cơ bàng quang, cắt u tuyến tiền liệt ở nam giới…
- Phẫu thuật cấy thiết bị kiểm soát các kích thích của dây thần kinh, tác động lên cơ bàng quang và các cơ sàn chậu.
- Phẫu thuật giải phóng các khối u trong ổ bụng hoặc vùng tiểu khung gây chèn ép kích thích bàng quang như u trực tràng, u xơ tử cung, ung thư buồng trứng,…
Cải thiện tiểu són nhờ thảo dược thiên nhiên
Ngoài điều trị theo tây y kể trên thì một số liệu pháp an toàn từ thảo dược cũng mang lại hiệu quả hỗ trợ cải thiện tiểu són như:
- Bạch tật lê: Từ xa xưa, vị thuốc này thường được phối hợp trong các bài thuốc điều trị sỏi thận và chữa đái dầm hiệu quả ở trẻ em. Theo nghiên cứu của Amir Raoofi và Ali Ghanbagi năm 2015, chiết xuất hydroalcoholic trong bạch tật lê có công dụng chính là lợi tiểu, làm tăng trương lực cơ, giãn cơ bàng quang. Từ đó giúp làm tăng khả năng chứa và giữ nước tiểu trong bàng quang, hạn chế các vấn đề rối loạn tiểu tiện, đặc biệt là tiểu són.
- Hạt bí ngô: Công dụng chính giúp hỗ trợ trương lực cơ vòng, cơ đáy bàng quang. Chiết xuất hạt bí ngô thường được dùng để hỗ trợ điều trị hội chứng bàng quang kích thích và trong các trường hợp viêm đau đường tiết niệu, suy thận. Từ đó, giúp làm giảm chứng đi tiểu són hiệu quả.
- Cao hoàng cầm: Theo nghiên cứu của nhóm tác giả Đài Loan năm 2012, hoàng cầm có tác dụng giảm viêm bàng quang thông qua ức chế COX-2, giúp bảo vệ đường tiết niệu,…
- Cao chi tử: Với tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, tiêu viêm, cao chi tử là vị thuốc hữu hiệu giúp điều trị chứng tiểu tiện ít, tiểu són, tiểu rắt.
- Ngoài ra còn các vị thuốc quý khác cũng được kể đến giúp hỗ trợ điều trị tiểu són như: Cao trinh nữ hoàng cung, râu ngô, bông mã đề,…
Bạch tật lê là thảo dược thiên nhiên giúp cải thiện tiểu són hiệu quả
Phòng ngừa, hạn chế tiểu són bằng cách nào?
Bên cạnh việc sử dụng thuốc và các liệu pháp từ thảo dược, bạn có thể phòng ngừa, khắc phục vấn đề tiểu són bằng cách sau:
- Điều chỉnh chế độ ăn uống và thói quen sinh hoạt: Bạn nên hạn chế các thực phẩm gây kích thích bàng quang, tác dụng lợi tiểu nhiều.
- Tránh thói quen nhịn tiểu quá lâu hoặc đi tiểu ngập ngừng không hết.
- Điều trị triệt để, tránh kéo dài các tình trạng gây tăng áp lực ổ bụng như ho, hắt hơi,…
- Ăn các thực phẩm giàu chất xơ, tránh táo bón có thể giúp bạn cải thiện tình trạng tiểu són.
- Có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, tránh tình trạng căng thẳng, stress, mất ngủ,…
- Sinh hoạt tình dục lành mạnh, hợp lý. Nên vệ sinh sạch sẽ vùng kín sau mỗi lần quan hệ cũng như hàng ngày để tránh viêm nhiễm đường tiết niệu.
- Luyện tập thể dục, vận động thường xuyên, duy trì cân nặng phù hợp, cân đối. Đặc biệt, nên tập luyện bài tập kegel đều đặn hàng ngày để giúp tăng cường sức mạnh các cơ vùng chậu.
- Nên thăm khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các vấn đề bệnh lý đi kèm.
Tóm lại:
Tiểu són là tình trạng có thể gặp ở mọi đối tượng, đặc biệt là người cao tuổi, làm ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống sinh hoạt của người bệnh. Tiểu són có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý, do đó, bạn nên đi khám chuyên khoa để tìm ra nguyên nhân và lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp nhất. Hy vọng bài viết trên đã đem đến những kiến thức bổ ích giúp bạn sớm cải thiện tiểu són. Nếu còn bất cứ thắc mắc về tình trạng tiểu són, bạn vui lòng để lại comment hoặc SĐT bên dưới phần bình luận để được giải đáp.
Tài liệu tham khảo