Hiện nay, hội chứng bàng quang tăng hoạt (bàng quang kích thích) được nhiều người quan tâm vì tỷ lệ mắc bệnh cao và những ảnh hưởng không nhỏ của bệnh. Bàng quang tăng hoạt là gì và có nên sử dụng thuốc để điều trị là vấn đề nhiều người thắc mắc. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn!

Hội chứng bàng quang tăng hoạt là gì?

Hội chứng bàng quang tăng hoạt là tình trạng bàng quang co bóp quá mức gây ra những triệu chứng như tiểu gấp, tiểu nhiều lần, tiểu đêm, tiểu không tự chủ… Trong đó:

- Tiểu gấp: tiểu một cách đột ngột, cần phải đi tiểu ngay và rất khó có thể nhịn được. 

- Tiểu nhiều lần: Bệnh nhân đi tiểu nhiều hơn 8 lần/ngày và lượng nước tiểu mỗi lần ít. 

- Tiểu đêm: Bệnh nhân thường phải thức dậy nhiều hơn một lần để đi tiểu, tình trạng bệnh nặng có thể tiểu đêm đến 5-6 lần hoặc hơn. 

- Tiểu gấp không kiểm soát: Bệnh nhân thường tiểu không tự chủ kèm theo sau cảm giác tiểu gấp, còn gọi là tiểu són. 

Có nên sử dụng thuốc điều trị bàng quang tăng hoạt?

Điều trị hội chứng bàng quang tăng hoạt phụ thuộc vào tình trạng người bệnh, mức độ trầm trọng và ảnh hưởng của bệnh đến cuộc sống thường ngày. Từ đó, bác sĩ sẽ có những chỉ định cụ thể như thay thay đổi thói quen sinh hoạt, sử dụng thuốc hoặc điều trị can thiệp. Không nhất thiết cứ thấy những triệu chứng như tiểu nhiều lần, tiểu són, tiểu đêm… là bệnh nhân đều phải dùng thuốc, vì thông thường, sử dụng thuốc mang lại hiệu quả nhưng cũng không ít tác dụng phụ, nhất là những người có sức đề kháng yếu hoặc tình trạng bệnh lý vẫn đang kiểm soát được bằng những thói quen sinh hoạt, thay đổi hành vi hàng ngày. 

Hiện nay, có nhiều loại thuốc được sử dụng trong điều trị hội chứng bàng quang tăng hoạt, dưới đây là một số loại thường được các bác sĩ tin dùng:

Các thuốc kháng muscarinics 

Hiện nay nhóm thuốc kháng muscarinics là loại được ưu tiên hàng đầu trong điều trị bàng quang tăng hoạt. Các thụ thể muscarin M3 chịu trách nhiệm về sự co bóp đi tiểu bình thường của bàng quang. Thuốc ngăn chặn các thụ thể muscarinics do đó giảm khả năng co thắt của bàng quang, hạn chế đi tiểu nhiều lần trong ngày, tiểu đêm, tiểu són… hiệu quả.

- Oxybutynin có thể đạt được cải thiện lâm sàng trong 12 tuần. Thuốc có chi phí thấp nhưng tác dụng phụ nhiều hơn các thuốc kháng cholinergic khác. Tác dụng phụ đối với dạng thẩm thấu qua da cũng ít hơn dạng uống. 

- Tolterodine, trospium, solifenacin, darifenacin đều có thể đạt được những cải thiện lâm sàng trong vòng 12 tuần. 

- Trospium là thuốc được lựa chọn trong trường hợp bệnh nhân có hội chứng bàng quang tăng hoạt kèm theo suy giảm nhận thức.

- Solifenacin được ưu tiên trong những trường hợp bệnh nhân cao tuổi, có rối loạn bàng quang hoặc kèm theo những rối loạn nhận thức. 

- Darifenacin được lựa chọn cho bệnh nhân bàng quang tăng hoạt kèm các bệnh lý tim mạch hoặc rối loạn nhận thức.

thuoc-tri-hoi-chung-bang-quang-tang-hoat.jpg

Thuốc kháng muscarinics là loại được ưu tiên hàng đầu trong điều trị bàng quang tăng hoạt

Một số loại thuốc khác 

- Tiêm Botulinum toxin A vào thành bàng quang 

Thuốc này là một protein chiết xuất từ độc tố của những vi khuẩn độc thịt. Với liều lượng nhỏ trực tiếp tiêm vào thành bàng quang, thuốc làm liệt cơ bàng quang có hồi phục và duy trì tác dụng trong 4-6 tháng. Tuy nhiên Botulinum toxin A có thể gây một số nguy cơ xấu cho bàng quang ở người lớn tuổi và những người đã bị suy yếu do vấn đề sức khỏe khác. 

- Estrogen đặt âm đạo có thể làm cải thiện chủ quan các triệu chứng của hội chứng bàng quang tăng hoạt. 

- Một số thuốc khác có tác dụng kháng cholinergic cũng đã được nghiên cứu điều trị bàng quang tăng hoạt. Thuốc chống trầm cảm nhóm ba vòng như imipramine và amitriptyline đã được sử dụng trong điều trị bàng quang hoạt động quá mức. Tuy nhiên tác dụng kháng cholinergic của nhóm này yếu.