Bàng quang tăng hoạt là tình trạng bàng quang co bóp gây ra những rối loạn tiểu tiện như tiểu nhiều lần, tiểu són, tiểu đêm, tiểu không tự chủ... Nếu để tình trạng bệnh kéo dài có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm và ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống người mắc. Điều trị bàng quang tăng hoạt bằng những biện pháp đơn giản, không cần dùng đến thuốc là vấn đề nhiều người quan tâm. Bài viết sau đây sẽ cung cấp những thông tin hữu ích cho bạn!

Phương pháp điều trị bàng quang tăng hoạt không cần đến thuốc

Có nhiều lựa chọn trong việc điều trị bàng quang tăng hoạt và nhiều người thường e ngại việc dùng thuốc vì gặp phải không ít tác dụng phụ. Sau đây là một số phương pháp điều trị bàng quang tăng hoạt không cần dùng đến thuốc được các chuyên gia khuyên dùng:

Tăng khả năng nhận thức của người bệnh

Giáo dục cho bệnh nhân biết thế nào là bàng quang bình thường và bàng quang kích thích là cơ sở để bệnh nhân nhận thức và thực hiện tốt những thay đổi về thói quen bàng quang nhằm đưa chức năng bàng quang trở lại bình thường. 

Tập đi tiểu theo giờ 

Nhiều bệnh nhân cứ cố đi tiểu nhiều lần để tránh bị són tiểu mà không ý thức được rằng đây là thói quen xấu, có thể làm nặng hơn tình trạng bệnh. 

Bệnh nhân nên tự lập kế hoạch đi tiểu theo giờ, kìm nén cảm giác mắc tiểu nếu chưa đến thời gian quy định. Thời gian thích hợp giữa 2 lần đi tiểu là 2-3h, và không nên đi tiểu ngay khi có cảm giác kích thích trong bàng quang.  

Viết nhật ký đi tiểu 

Nhật ký đi tiểu là cơ sở để bác sĩ cũng như bệnh nhân nhận thức được mức độ của bàng quang kích thích, từ đó có hướng điều trị hợp lý. 

Nhật ký nên thực hiện đều đặn hàng ngày và càng tỉ mỉ càng tốt, vì đó là dữ liệu để bác sĩ xem xét nguyên nhân gây bệnh và đưa ra những tư vấn chi tiết cho bệnh nhân.

viet-nhat-ky-di-tieu.jpg

Viết nhật ký đi tiểu

Điều chỉnh chế độ ăn uống 

Một số thức ăn và đồ uống lợi tiểu có thể kích thích bàng quang như cafein, bia rượu, những thức uống có đường...

Trong đó, đáng chú ý nhất là cafein, vì có rất nhiều người nghiện cà phê. Nhiều thực phẩm có chứa cafein, và đáng lưu ý hơn là có hơn 1000 loại thuốc tây không cần kê đơn có cafein trong thành phần. Cafein vừa có tính lợi tiểu vừa làm kích thích bàng quang. Vì thế, bạn nên hạn chế tối đa sử dụng thực phẩm có chứa cafein nếu như không muốn tình trạng bệnh tồi tệ hơn. 

Điều chỉnh cân nặng 

Béo phì sẽ làm tăng áp lực trong bụng, đè ép lên bàng quang và đáy chậu, làm nặng các triệu chứng của hội chứng bàng quang tăng hoạt và tiểu không kiểm soát. Vì thế, giảm cân là một biện pháp quan trọng nhằm cải thiện tình trạng bàng quang kích thích. 

Điều trị táo bón 

Táo bón mạn tính là một trong những yếu tố nguy cơ của hội chứng bàng quang kích thích. Tỷ lệ mắc bàng quang kích thích ở những người táo bón cao hơn những người không bị, ở cả nam và nữ. Vì thế, điều trị táo bón có thể giúp cải thiện các triệu chứng của bàng quang kích thích như tiểu gấp và tiểu nhiều lần. 

Ngưng hút thuốc lá 

Hút thuốc lá có liên quan mật thiết với triệu chứng đường tiết niệu dưới ở nam giới và tiểu gấp, tiểu són ở nữ giới. Sự liên quan càng tăng lên ở người hút thuốc lá kinh niên do bị ho nhiều làm tăng áp lực bụng.