Hội chứng bàng quang kích thích thường ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống và công việc, khiến người mắc tự ti và xấu hổ. Bệnh có thể mắc ở mọi lứa tuổi, kể cả trẻ em. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu biết về bệnh và thường nhầm lẫn triệu chứng bệnh là do thận yếu. Bài viết sau đây sẽ cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích về hội chứng này.

Hội chứng bàng quang kích thích là gì?

Hội chứng bàng quang kích thích (bàng quang tăng hoạt) chỉ sự rối loạn trong giai đoạn chứa đựng nước tiểu của bàng quang do sự co bóp không chủ ý của cơ chóp xuất hiện khi bệnh nhân kiềm chế phản xạ đi tiểu. 

Abrams và Wein đã đề nghị định nghĩa bàng quang tăng hoạt (ICS – 2002) như sau: Bàng quang tăng hoạt là tình trạng liên quan đến các triệu chứng, tiểu gấp, tiểu nhiều lần, tiểu đêm, có hoặc không có triệu chứng tiểu gấp không kiểm soát kèm theo, các triệu chứng này xuất hiện trong tình trạng không có các tổn thương bệnh lý tại chỗ hoặc không có tác nhân chuyển hóa có thể gây nên các triệu chứng trên. 

Nguyên nhân dẫn đến hội chứng bàng quang kích thích 

Những rối loạn về đường tiết niệu thường khiến mọi người nghĩ đến tổn thương thận. Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây cho thấy, hội chứng bàng quang kích thích mới là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những rối loạn này. Một số nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng này, bao gồm: 

- Các bệnh thần kinh có thể ảnh hưởng đến sự điều hòa hoạt động thần kinh của bàng quang và cổ bàng quang như các bệnh lý tiểu đường, Parkinsons, đa xơ cứng...

- Tuổi: Người già có nhiều rối loạn tiểu tiện do ức chế thần kinh và chức năng não bộ suy giảm, thường dễ mắc hội chứng bàng quang kích thích.

- Các bệnh lý tại chỗ: Nhiễm trùng, sỏi bàng quang, u bàng quang, viêm bàng quang kẽ, tắc nghẽn đường tiết niệu dưới.

- Các yếu tố khác: Có thai, tâm lý, trầm cảm....

co-thai-de-bi-bang-quang-kich-thich.jpg

Phụ nữ có thai dễ mắc hội chứng bàng quang kích thích

Các triệu chứng thường gặp của hội chứng bàng quang kích thích 

Hội chứng bàng quang tăng hoạt có thể xuất hiện ở cả nam giới và nữ giới, có thể chiếm 20-25% ở nữ giới. Ngoài ra, bàng quang kích thích còn có thể xuất hiện ở trẻ em và gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống. Một số triệu chứng điển hình của hội chứng này, như:

Tiểu gấp 

Bệnh nhân có cảm giác bất chợt đi tiểu, không được báo trước, khó mà cưỡng lại và cần phải đi tiểu ngay. Đây là triệu chứng bắt buộc trong chẩn đoán hội chứng bàng quang kích thích. 

Tiểu nhiều lần

Bệnh nhân thường đi tiểu nhiều lần (trên 8 lần) trong ngày tính từ lúc thức dậy cho đến lúc đi ngủ.

Tiểu đêm 

Bệnh nhân thường phải thức dậy ban đêm từ một lần trở lên để đi tiểu. 

Tiểu gấp không kiểm soát

Bệnh nhân có tình trạng tiểu không tự chủ theo sau cảm giác tiểu gấp. Chỉ khoảng 50% trường hợp mắc hội chứng bàng quang kích thích có triệu chứng tiểu gấp không kiểm soát với các biểu hiện cụ thể như ra nước tiểu ngay khi đi tiểu mà không kịp vào nhà vệ sinh, tiểu dầm khi ngủ, tiểu bất ngờ không kiểm soát được hoặc són tiểu ra quần vào ban ngày. 

Thông thường, chẩn đoán hội chứng bàng quang kích thích bằng triệu chứng tiểu gấp với ít nhất một trong các triệu chứng còn lại. 

Ảnh hưởng của hội chứng bàng quang kích thích đến chất lượng cuộc sống 

Bàng quang kích thích có những tác động xấu đến chất lượng cuộc sống và ảnh hưởng tâm lý, công việc. Các triệu chứng của hội chứng bàng quang kích thích thường xuyên làm cho người bệnh trốn tránh một số hoạt động như đi du lịch, đi tàu xe, tập trung nơi đông người...

Bác sĩ thường hỏi mức độ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Nếu các triệu chứng chưa gây nhiều phiền toái cho người bệnh thì chưa cần phải điều trị bằng thuốc, mà chỉ cần áp dụng những liệu pháp thay đổi hành vi hoặc tập luyện cho bàng quang.