Tiểu không tự chủ có thể gặp ở mọi đối tượng, đặc biệt là nữ giới. Vậy tiểu không tự chủ là gì? Tại sao tỷ lệ mắc tiểu không tự chủ ở phụ nữ thường cao hơn nam giới? Làm thế nào để ngăn ngừa tiểu không tự chủ? Nếu bạn cũng đang có chung những thắc mắc trên thì hãy tìm hiểu trong bài viết sau. 

Tiểu không tự chủ là gì?

Tiểu không tự chủ (tiểu không kiểm soát) là tình trạng mất kiểm soát hoạt động tiểu tiện, dẫn đến són tiểu ra ngoài, thậm chí nhiều trường hợp còn phải mang tã để phòng tránh những tình huống bất ngờ.

Tiểu không tự chủ có thể gặp ở mọi đối tượng nhưng tỷ lệ mắc ở phụ nữ cao hơn ở nam giới và thường xảy ra khi ho, hắt hơi hay gắng sức.

Tại sao tiểu không tự chủ ở phụ nữ nhiều hơn nam giới?

Tiểu không tự chủ ở phụ nữ xảy ra phổ biến hơn ở nam giới vì một số nguyên nhân sau:

 - Do cấu trúc giải phẫu: Nữ giới cấu tạo niệu đạo (3 – 5cm) ngắn hơn ở nam giới (18 – 20cm). Không những thế, phụ nữ cũng có ít cơ giữ nước tiểu hơn. Do vậy, nếu có bất kỳ tổn thương nào ở niệu đạo sẽ làm tăng nguy cơ mắc tiểu không tự chủ.

- Phụ nữ mang thai: Thai nhi lớn dần sẽ khiến bàng quang chịu sức ép trong thời gian dài, giảm trương lực cơ bàng quang, dẫn đến khả năng giữ nước tiểu kém hơn, gây tiểu không tự chủ.

- Cơ sàn chậu suy yếu: Phụ nữ sau khi sinh con hoặc thời kỳ mãn kinh thường bị suy yếu cơ sàn chậu - một trong những nhóm cơ tham gia vào việc kiểm soát hoạt động đi tiểu bình thường. Đây là lý giải thích cho việc những đối tượng này thường bị tiểu không tự chủ.

mang-thai.jpg

Thai nhi lớn dần sẽ khiến bàng quang chịu sức ép trong thời gian dài gây tiểu không tự chủ

8 phương pháp cải thiện chứng tiểu không tự chủ 

Để cải thiện tình trạng tiểu không tự chủ thì bạn có thể áp dụng một số cách sau:

Bổ sung estrogen

Phụ nữ đang trong giai đoạn tiền mãn kinh, không có đủ estrogen và hormone cho niêm mạc và niệu đạo cũng góp phần làm tăng nguy cơ mắc tiểu không tự chủ. Do vậy, bôi kem, gel hoặc miếng dán bằng estrogen là cách giúp tăng cường trương lực cơ và các mô ở niệu đạo để kiểm soát bàng quang tốt hơn, cải thiện tiểu không tự chủ hiệu quả.

Đặt vòng nâng pessary

Như đã trình bày ở trên, phụ nữ trải qua quá trình mang thai, sinh con nhiều lần thường gây rối loạn chức năng cơ sàn chậu nên dẫn đến tiểu không tự chủ. 

Vì vậy, đặt vòng nâng pessary là cách nâng đỡ cơ sàn chậu, giúp cải thiện tiểu không tự chủ hiệu quả.

Tiêm bulking

Chuyên gia có thể tiêm bulking (collagen, zirconi, hạt carbon hoặc coapxite) vào các mô xung quanh bàng quang và niệu đạo, giúp tăng khả năng giữ nước tiểu của bàng quang, giảm tình trạng tiểu không tự chủ.

Bài tập Kegel

Đây là bài tập giúp tăng cường sự dẻo dai của các cơ sàn chậu, do đó tác động vào nguyên nhân gây nên tình trạng tiểu không tự chủ. Không chỉ vậy Kegel còn tăng tốc độ làm lành vết thương sau phẫu thuật cắt tầng sinh môn hoặc rách âm đạo bởi chúng cải thiện lượng máu lưu thông đến trực tràng và âm đạo.

duy-tri-bai-tap-kegel-hang-ngay-la-cach-cai-thien-tieu-nhieu-lan-hieu-qua.webp

Tập luyện bài tập kegel thường xuyên

Rèn luyện bàng quang

Rèn luyện bàng quang là một trong những cách cải thiện tiểu không tự chủ khá hiệu quả. Bạn có thể kiểm soát bàng quang bằng cách đi tiểu theo thời gian quy định. Bắt đầu bằng cách theo dõi tần suất đi vệ sinh mỗi ngày, ghi lại trong nhật ký bàng quang. Sau đó, từ từ tăng thêm 15 phút giữa các lần đi tiểu để kéo dài thời gian chịu đựng của bàng quang.

Giảm cân

Thừa cân gây thêm áp lực lên bàng quang, làm giảm khả năng chứa đựng nước tiểu, dẫn đến tình trạng tiểu không tự chủ. Vì vậy, nếu bạn đang gặp tình trạng trên thì nên có kế hoạch giảm cân hợp lý bằng cách chọn thực phẩm lành mạnh và hoạt động thể chất thường xuyên. 

Ăn uống hợp lý

Nếu có thói quen uống nhiều rượu bia, cà phê,… đặc biệt là vào buổi tối thì bạn nên bỏ ngay vì đây là những chất gây kích thích bàng quang, khiến tình trạng tiểu không tự chủ nặng hơn.

Bạn nên uống đủ nước mỗi ngày (1.5 – 2 lít). Nếu uống quá ít sẽ làm nồng độ nước tiểu đặc hơn, kích ứng niêm mạc bàng quang, khiến bạn đi tiểu nhiều hơn. Không chỉ vậy, điều này cũng vô tình làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn tiết niệu, táo bón, tiểu không tự chủ.

An_nhieu_rau_xanh_tri_tao_bon.jpg

Ăn uống hợp lý giúp cải thiện tiểu không tự chủ

Phẫu thuật

Nếu các phương pháp trên không mang lại hiệu quả thì phẫu thuật là lựa chọn cuối cùng. Nhưng nếu bạn có kế hoạch mang thai trong tương lai thì không nên áp dụng phương pháp này, bởi sau khi sinh chứng tiểu không tự chủ rất có thể sẽ tái phát.

Phương pháp phẫu thuật phổ biến là treo cổ bàng quang. Đây là phương pháp giúp đóng niệu đạo (ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài) và cổ bàng quang (phần kết nối bàng quang với niệu đạo) để kiểm soát tình trạng tiểu không tự chủ.