Bị tiểu rắt khi mang thai là tình trạng thường gặp của nhiều phụ nữ. Triệu chứng này có thể xảy ra do những nguyên nhân thông thường hoặc là dấu hiệu cảnh báo của một số bệnh lý nguy hiểm. Vì vây, cách chữa tiểu rắt cho bà bầu an toàn và hiệu quả là câu hỏi được nhiều người quan tâm. Hãy cùng tìm hiểu những thông tin hữu ích qua bài viết dưới đây nhé!
Tiểu rắt khi mang thai có nguy hiểm không?
Thông thường, tình trạng tiểu rắt khi mang thai sẽ không gây nguy hiểm nếu xảy ra do nội tiết tố thay đổi. Tuy nhiên, nếu đi kèm một số triệu chứng nghiêm trọng dưới đây thì bà bầu nên thận trọng.
- Đau buốt, nóng rát khi đi tiểu.
- Sốt, ớn lạnh, mệt mỏi.
- Đau bụng, đau lưng, đi tiểu nhiều lần không kiểm soát được.
- Cảm giác đi tiểu cấp bách nhưng lượng nước tiểu rất ít.
- Hắt hơi, ho và vận động mạnh cũng có thể khiến nước tiểu rò ra quần.
- Có máu trong nước tiểu.
- Nước tiểu có màu đục hoặc mùi hôi bất thường.
- Nôn, buồn nôn.
- Giảm cân đột ngột.
Nếu bà bầu gặp cùng lúc nhiều triệu chứng thì tuyệt đối không được chủ quan. Vì đây là những dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý nguy hiểm. Thường gặp nhất là viêm đường tiết niệu hoặc bệnh phụ khoa. Nếu không được phát hiện sớm và chữa trị kịp thời, vi khuẩn có khả năng lội ngược dòng làm tăng nguy cơ nhiễm trùng ở thận hay di chuyển bám vào nhau thai gây hại cho sức khỏe của thai nhi hoặc dẫn đến sinh non.
Nguyên nhân chính gây tiểu rắt khi mang thai do bệnh ở đường tiết niệu
>>> Xem thêm: Nguyên nhân và cách khắc phục hiệu quả tiểu rắt sau quan hệ ở nữ giới
Cách chữa tiểu rắt cho bà bầu thường gặp
Phụ nữ mang thai thuộc đối tượng đặc biệt, do đó cách chữa tiểu rắt cho bà bầu cần ưu tiên yếu tố an toàn và hiệu quả. Bạn có thể tham khảo một số phương pháp điều trị sau đây.
Thuốc tây chữa tiểu rắt cho bà bầu
Mặc dù sử dụng thuốc tây để chữa tiểu rắt cho bà bầu đem lại hiệu quả rất cao. Tuy nhiên, các loại thuốc này có nhiều tác dụng không mong muốn nên không được khuyến khích sử dụng. Nếu bắt buộc phải sử dụng cần cân nhắc yếu tố lợi ích/rủi ro và tuân thủ tuyệt đối hướng dẫn của các bác sĩ/dược sĩ để tránh gây ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ cũng như thai nhi.
Dưới đây là một số loại thuốc tây thường được sử dụng để điều trị chứng tiểu rắt cho bà bầu, bao gồm:
- Nếu nguyên nhân tiểu rắt do nhiễm trùng đường tiết niệu thì có thể dùng các loại thuốc kháng sinh tác dụng kháng khuẩn như Amoxicillin, Erythromycin hoặc Penicillin.
- Thuốc kháng cholinergic (oxybutynin, tolterodine,...) có công dụng ngăn chặn tác động xấu của acetylcholin - chất dẫn truyền thần kinh. Giúp làm giãn cơ trơn bàng quang từ đó ngăn chặn các cơn co thắt ở bàng quang khiến bạn bị tiểu rắt do bàng quang tăng hoạt. Đối với nhóm thuốc này bạn cần tuân theo đúng liều lượng mà các bác sĩ chủ định. Bởi khi uống quá nhiều thuốc kháng cholinergic có thể dẫn đến các triệu chứng: Chóng mặt, buồn ngủ cực độ, sốt, ảo giác,...
- Thuốc ức chế thần kinh chứa duloxetine có tác dụng thư giãn cơ niệu đạo cũng như cải thiện tình trạng mất kiểm soát bàng quang gây tiểu rắt. Thuốc duloxetine chống chỉ định với người bị dị ứng với hoạt chất duloxetine trong thành phần của thuốc và người có tiền sử mắc các bệnh: Cao huyết áp, bệnh gan hoặc thận, co giật, động kinh,...
Tóm lại, bà bầu nếu không may bị bệnh tiểu rắt thì không nên tùy ý sử dụng thuốc tây mà cần hỏi ý kiến của bác sĩ chuyên môn. Bởi thời điểm này, sức khỏe của mẹ và sự phát triển của trẻ là điều quan trọng nhất.
Bà bầu chỉ sử dụng thuốc tây trị tiểu rắt khi có hướng dẫn của bác sĩ
Cách chữa tiểu rắt cho bà bầu bằng bài thuốc đông y
Những bài thuốc đông y điều trị tiểu rắt được sử dụng rất phổ biến và hiệu quả cũng rất tốt. Tuy nhiên, phụ nữ mang thai là đối tượng đặc biệt, nên thận trọng khi sử dụng các bài thuốc đông y vì có nhiều vị thuốc bà bầu không dùng được. Chính vì thế, để an toàn, bà bầu cần đến cơ sở y tế chuyên khoa đông y uy tín thăm khám và điều trị đúng cách. Sau đây là một số bài thuốc đông y thường dùng để điều trị chứng tiểu rắt cho bà bầu:
- Bài thuốc số 1: Bạch thược, sinh địa và kim ngân hoa mỗi vị 12g, hắc chi tử, xa tiền thảo, phục linh, trúc diệp và hoàng cầm mỗi vị 9g, cam thảo và đăng tâm thảo mỗi loại 6g.
- Bài thuốc số 2: Nhân sâm, bạch truật, tang phiêu, thăng ma mỗi loại 9g, hoàng kỳ và mạch môn đông mỗi loại 15g.
- Bài thuốc số 3: Thăng ma, hoàng kỳ, nhân sâm và thông thảo mỗi vị 9g, đương quy, tế tân, đăng tâm thảo mỗi vị 6g, mạch môn và cam thảo mỗi vị 12g.
Ngoài ra, có thể kết hợp sử dụng các thảo dược tự nhiên để cải thiện tiểu rắt cho bà bầu. Một số loại thảo dược thường được sử dụng như: Bạch tật lê, chi tử, trinh nữ hoàng cung, hoàng cầm, hạt bí ngô,... Một nghiên cứu ở Iraq cho thấy, bạch tật lê có tác dụng kháng khuẩn mạnh và thường được xuất hiện trong các bài thuốc chống nhiễm trùng đường tiết niệu trong dân gian. Bên cạnh đó, hoàng cầm, trinh nữ hoàng cung cũng được tiến hành nghiên cứu có tác dụng bảo vệ đường tiết niệu và cải thiện tình trạng tiểu rắt hiệu quả.
Sử dụng bạch tật lê và chi tử trong điều trị tiểu rắt cho mẹ bầu
Cải thiện tiểu rắt cho bà bầu không dùng thuốc
Ngoài phương pháp điều trị bằng thuốc, bà bầu có thể áp dụng các cách cải thiện tiểu rắt không dùng thuốc. Một số biện pháp các bà bầu có thể tham khảo:
Thay đổi thói quen đi tiểu
Khi gặp tình trạng tiểu rắt trong quá trình mang thai, hầu hết các bà bầu đều được bác sĩ tư vấn tư thế đi tiểu giúp hạn chế được tình trạng này. Đó là nghiêng người về phía trước khi đi tiểu.
Tư thế ngồi nghiêng về phía trước khi đi tiểu nhằm tạo lực ép lên bàng quang, giúp nước tiểu có thể thoát sạch ra ngoài và giảm tình trạng tiểu nhiều lần. Bên cạnh đó, khi bàng quang được làm sạch sẽ tránh nước tiểu tồn đọng tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi nảy nở gây viêm nhiễm.
Thực hiện bài tập Kegel
Tập thể dục là điều mà các chuyên gia khuyên bà bầu nên làm hàng ngày để tăng cường sức khỏe và giúp mở vùng chậu, thuận lợi cho sinh nở. Nếu bà bầu đang gặp tình trạng tiểu rắt khi mang thai có thể thực hiện bài tập Kegel. Các bài tập này giúp tăng cường sức mạnh cơ vùng chậu và cải thiện tình trạng tiểu rắt. Phụ nữ mang thai có thể áp dụng các bước sau để thực hiện bài tập Kegel giúp cải thiện tình trạng tiểu rắt:
- Chị em thực hiện co cơ âm đạo (giống như kìm hãm nước tiểu) và giữ trong 10 giây.
- Nghỉ 10 giây trước khi tiếp tục, lặp lại 10 lần.
- Khi đã quen dần với bài tập, bạn có thể tăng số giây lên mỗi lần. 25-30 giây được coi là thời gian tốt nhất cho mỗi bài tập.
Lưu ý: Các mẹ bầu cần làm trống bàng quang hoàn toàn trước khi tập, vì có thể gây rò rỉ nước tiểu hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu.
Bài tập Kegel giúp cải thiện tình trạng tiểu rắt khi mang thai
Thay đổi chế độ ăn uống
Hạn chế ăn những thực phẩm chứa chất kích thích như trà, cà phê, đồ uống có cồn, đồ cay,… vì chúng có thể gây kích thích bàng quang và làm tăng số lần đi tiểu.
Bà bầu nên tăng cường ăn trái cây, rau xanh và các loại thực phẩm giàu chất xơ khác. Đồng thời, nên uống nhiều hơn 2 lít nước mỗi ngày để thúc đẩy quá trình tuần hoàn máu trong cơ thể, giảm nguy cơ viêm nhiễm đường tiết niệu, chống táo bón. Vì táo bón lâu ngày cũng có thể gây áp lực lên bàng quang, làm tăng nguy cơ tiểu rắt, tiểu buốt ở bà bầu.
Ngoài ra, trong suốt quá trình mang thai cơ thể mẹ cần lượng nước nhiều hơn bình thường để thai nhi có thể phát triển khỏe mạnh. Tuy nhiên, mẹ bầu nên hạn chế uống nhiều nước vào buổi tối để không bị gián đoạn giấc ngủ.
Mẹo dân gian chữa tiểu rắt ở bà bầu
Tình trạng tiểu rắt khi đang ở trong giai đoạn 3 tháng đầu của thai kỳ hoàn toàn có thể điều trị tại nhà. Các mẹ bầu có thể sử dụng một số loại thực phẩm như: Sắn dây, bí xanh, râu ngô, mồng tơi... vừa giúp thanh lọc cơ thể lại an toàn. Dưới đây là một số mẹo dân gian hỗ trợ điều trị tiểu rắt, bạn có thể tham khảo:
- Bí xanh: Trong tự nhiên, bí xanh có tính mát, dùng để chữa nóng gan, lợi tiểu. Vì vậy, bí xanh chữa tiểu rắt cực kỳ tốt, các bà bầu có thể tham khảo và sử dụng mỗi ngày. Bí xanh sau khi mua về gọt vỏ, cắt thành từng miếng nhỏ, nghiền nát và chắt lấy nước. Sử dụng 2 lần mỗi ngày.
- Râu ngô: Trong râu ngô rất giàu khoáng chất và các loại vitamin như vitamin K, A, B1, B2,... giúp tăng cường sức khỏe cơ thể. Đặc biệt, râu ngô còn rất có lợi trong cải thiện các vấn đề trên đường tiết niệu như: Giúp lợi tiểu, làm tan sỏi tiết niệu, giảm viêm,.... Do vậy, râu ngô thường xuất hiện trong các bài thuốc đông y trị rối loạn tiểu tiện như tiểu nhiều lần, tiểu rắt, đái dầm ở trẻ. Cách thực hiện: Râu ngô sau khi tách khỏi bắp thì rửa sạch lại với nước. Tiếp theo, đem đun sôi và uống từ 2-3 lần/ngày. Sau khoảng 2 tuần, các triệu chứng tiểu rắt sẽ giảm rõ rệt.
- Mồng tơi: Không chỉ là loại rau quen thuộc trong các món ăn, mồng tơi còn được dùng như một mẹo để trị bệnh liên quan đến tiểu tiện. Trong tự nhiên, mồng tơi tính mát, bổ dưỡng và có khả năng tiêu viêm, lợi tiểu. Sử dụng mồng tơi để trị tiểu rắt được nhiều người lựa chọn vì tính đơn giản, hơn hết là an toàn, có thể dùng cho phụ nữ có thai và trẻ nhỏ. Chỉ cần lấy rau mồng tơi rửa sạch, sau đó đem đun với nước sôi dùng hàng ngày.
- Bột sắn dây: Sắn dây tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, dưỡng khí, cân bằng khí huyết cho mẹ và thai nhi. Từ đó giúp cân bằng hệ bài tiết của mẹ bầu.
Mồng tơi, bí xanh, râu ngô,... là những mẹo hay giúp trị tiểu rắt khi mang thai
Bị tiểu rắt khi mang thai là tình trạng thường gặp trong suốt thai kỳ. Tuy nhiên, các chị em cũng không nên quá chủ quan vì nó có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý trong cơ thể. Do đó, để bảo đảm sức khỏe cho mẹ và bé, bạn nên tìm đến các bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn. Nếu bạn còn có bất kỳ thắc mắc gì về cách chữa tiểu rắt cho mẹ bầu, hãy để lại số điện thoại hoặc comment bên dưới phần bình luận, chúng tôi sẽ giải đáp sớm nhất.
Link tham khảo:
https://www.healthline.com/health/pregnancy/urinary-incontinence#treatment
https://www.pregnancybirthbaby.org.au/incontinence-during-pregnancy
https://bmcpregnancychildbirth.biomedcentral.com/articles/10.1186/s12884-016-1126-2