Nhiều người không biết rằng chế độ dinh dưỡng có thể cải thiện hoặc trầm trọng thêm triệu chứng bệnh, trong đó có hội chứng bàng quang tăng hoạt. Một số điều chỉnh trong chế độ ăn dưới đây có thể giúp bạn cải thiện các triệu chứng khi bàng quang hoạt động quá mức. 

Bàng quang tăng hoạt là gì? 

Bàng quang tăng hoạt (bàng quang kích thích) là tình trạng bàng quang co bóp quá mức gây ra những triệu chứng như:

- Tiểu gấp: Tiểu một cách đột ngột, cần phải đi tiểu ngay và rất khó có thể nhịn được. 

- Tiểu nhiều lần: Bệnh nhân đi tiểu nhiều hơn 8 lần/ngày, lượng nước tiểu mỗi lần không nhiều. 

- Tiểu đêm: Bệnh nhân thường phải thức dậy nhiều hơn một lần để đi tiểu.

- Tiểu gấp không kiểm soát: Bệnh nhân thường tiểu không tự chủ kèm theo sau cảm giác tiểu gấp, còn gọi là tiểu són. 

Chế độ dinh dưỡng người bị bàng quang tăng hoạt cần biết 

Ngoài những phương pháp điều trị như dùng thuốc hoặc rèn luyện các bài tập thì những người mắc hội chứng bàng quang tăng hoạt nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng. Dưới đây là những thực phẩm mà người bệnh nên tránh vì có thể làm trầm trọng thêm triệu chứng bệnh. 

Quá ít hoặc quá nhiều chất lỏng 

Điều quan trọng cần lưu ý là tiêu thụ quá nhiều hoặc quá ít chất lỏng trong ngày có thể kích thích bàng quang nhiều hơn. Quá nhiều chất lỏng có thể khiến bạn đi vệ sinh nhiều và quá ít chất lỏng có thể gây nhiễm trùng. Vì thế, bạn nên bổ sung đủ nước, khoảng 1500-2000ml mỗi ngày để làm giảm các triệu chứng bệnh

Rượu, bia

Có nhiều lý do khiến cho bạn nên hạn chế uống rượu, bia khi bị bàng quang tăng hoạt. Trước hết, rượu, bia kích thích bàng quang, khiến việc kiểm soát đi tiểu trở nên khó khăn hơn. Bên cạnh đó, rượu, bia cũng khử nước của cơ thể, khiến bàng quang bị kích thích nhiều hơn, từ đó làm nặng thêm các triệu chứng bệnh. Do vậy, nếu bạn mắc chứng bàng quang tăng hoạt thì không nên sử dụng rượu, bia.

Cafein 

Cà phê, trà soda, nước uống tăng lực và chocolate chứa một lượng lớn cafein. Đây là một chất kích thích và có tác dụng lợi tiểu khiến bàng quang của bạn hoạt động tích cực hơn và sản xuất nhiều nước tiểu hơn. Do vậy, tốt nhất là nên giảm thiểu hoặc thậm chí là không dùng cafein trong thực đơn hàng ngày. 

Thực phẩm chứa nhiều axit 

Những thực phẩm có nhiều axit như cam, quýt... có thể gây kích thích bàng quang, vì thế bạn nên tránh. Mặc dù những loại trái cây này có thể ngăn ngừa nhiễm trùng bàng quang, tuy nhiên lại có tính axit nên không tốt đối với bàng quang quá mẫn cảm. 

Mận khô 

Mận khô có thể chống táo bón, một triệu chứng phổ biến ở những người có bàng quang hoạt động quá mức. Tuy nhiên, mận khô lại là thực phẩm có thể kích thích bàng quang. Vì thế, thay vì ăn mận khô để điều trị táo bón thì bạn nên bổ sung những thực phẩm giàu chất xơ vào bữa ăn hàng ngày. 

Nước uống có gas

Những loại nước uống có ga có thể gây kích thích bàng quang, làm rò rỉ nước tiểu nhiều hơn. Tốt nhất, bạn nên tránh xa những đồ uống như soda, nước có ga và rượu nếu không muốn triệu chứng bệnh nặng hơn. 

Thực phẩm cay, nóng 

Thực phẩm cay, nóng có thể gây kích ứng niêm mạc bàng quang, khiến các triệu chứng trở nên khó kiểm soát hơn. Tuy nhiên chế độ ăn uống của bạn không thể quá nhạt nhẽo nên bạn có thể thay thế bằng các loại thảo mộc, tỏi và các loại gia vị khác vào bữa ăn. 

Chất tạo ngọt 

Một số chất tạo ngọt có thể là vấn đề với người có bàng quang hoạt động quá mức. Chất làm ngọt có thể làm nặng thêm các triệu chứng và gây rò rỉ nhiều hơn. Cũng giống như thức ăn cay, bạn nên cố gắng tìm loại chất ngọt nào ít gây ảnh hưởng đến bạn. 

Hành tây 

Với những người có bàng quang hoạt động quá mức, nên nấu chín hành để làm giảm tác động của chúng, hoặc chuyển sang ăn hành lá. 

Gia vị 

Đồ gia vị cũng có thể làm cho bàng quang thấy khó chịu. Một số gia vị như mù tạt, nước sốt cà chua và giấm có thể chứa axit hoặc các chất kích thích khác dễ khiến cho bàng quang tăng hoạt động. Nếu có thể, bạn nên thay thế chúng bằng các loại gia vị khác, như tỏi và các chiết xuất từ tỏi sẽ tốt cho cơ thể bạn.

Thực phẩm chế biến sẵn

Một số thực phẩm chế biến sẵn cũng có ảnh hưởng đến bàng quang hoạt động quá mức. Các hương vị, chất bảo quản và chất phụ gia nhân tạo có thể gây kích ứng bàng quang và làm cho các triệu chứng tồi tệ hơn. 

 

Thúy Hạnh