Đi tiểu là hoạt động sinh lý bình thường của cơ thể giúp đào thải chất độc ra ngoài. Tuy nhiên, nhiều người có thể đi tiểu nhiều dù uống rất ít  nước. Đây là triệu chứng của bệnh gì? Làm thế nào để khắc phục tình trạng này là băn khoăn của nhiều người. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn! 

Đi tiểu nhiều là tình trạng như thế nào?

Ở những cơ thể bình thường, bàng quang trữ nước và xuất nước tiểu từng đợt theo yêu cầu của vỏ não kèm theo hoạt động chi phối của cơ tống nước tiểu. Khi thể tích bàng quang đầy (khoảng 400-620ml), bàng quang giãn ra và xuất hiện phản xạ co thắt các cơ dẫn đến cảm giác buồn tiểu. 

Người bình thường khỏe mạnh, số lần đi tiểu trung bình là 8 lần/ngày, mỗi lần khoảng 250-300ml nước tiểu, tổng số lượng nước tiểu không quá 3000ml/ngày. 

Nếu số lần đi tiểu một ngày quá 8 lần và lượng nước tiểu mỗi lần ít hơn 300ml thì cơ thể bạn đang có vấn đề. Có thể bàng quang hay đường tiết niệu bị viêm nhiễm hoặc do các bệnh lý về thận, làm suy giảm khả năng lọc máu ở thận. Tình trạng đi tiểu nhiều kéo dài gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe cũng như sinh hoạt của người bệnh.

đi-tieu-nhieu-lan.jpg

Tiểu nhiều kéo dài gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe cũng như sinh hoạt của người bệnh

Đi tiểu nhiều dù uống ít nước là triệu chứng của bệnh gì?

“Tôi không có thói quen uống nhiều nước nhưng vẫn rất hay đi tiểu. Tôi rất lo lắng khi tình trạng này không có dấu hiệu thuyên giảm. Đây có phải là triệu chứng của bệnh và nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do đâu?” Chị N.T.V.A chia sẻ. 

Đi tiểu nhiều dù uống ít nước là một dấu hiệu cho biết bạn có thể đang gặp những vấn đề về sức khỏe. Dưới đây là một số nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng này:

Hội chứng bàng quang tăng hoạt 

Bàng quang tăng hoạt (hoạt động quá mức của bàng quang) là một thể rối loạn chức năng của bàng quang do tăng co thắt cơ bàng quang quá mức gây ra mót đi tiểu, khó nhịn tiểu, có thể tiểu không tự chủ, trường hợp nặng có thể đái dầm.Một số nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng bàng quang hoạt động quá mức như: Rối loạn thần kinh trong bệnh Parkinson, đột quỵ, bệnh xơ hóa tủy; những bất thường trong bàng quang như khối u hoặc sỏi bàng quang; các yếu tố gây cản trở dòng chảy từ bàng quang như u xơ tuyến tiền liệt...

bang-quang-tang-hoat.jpg

Bàng quang do tăng co thắt cơ bàng quang quá mức gây ra mót đi tiểu, khó nhịn tiểu

Viêm đường tiết niệu (viêm bàng quang)

Nguyên nhân gây bệnh là do vi khuẩn xâm nhập vì không vệ sinh hoặc vệ sinh không sạch, không đúng cách. Bệnh nhân thường có triệu chứng muốn đi tiểu thường xuyên, lượng nước tiểu ít, tiểu rắt, tiểu khó, có cảm giác buồn đi tiểu, bụng ậm ạch khó chịu. 

Sỏi đường tiết niệu 

Những người mắc bệnh sỏi đường tiết niệu thường tiểu đêm, tiểu khó, tiểu nhiều, tiểu buốt kèm theo đau lưng… 

Ngoài ra, những bệnh nhân bị cao huyết áp hay đái tháo đường tuýp 2 cũng có thể là nguyên nhân gây tình trạng đi tiểu nhiều. 

Đi tiểu nhiều dù uống ít nước điều trị như thế nào?

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng đi tiểu nhiều dù uống ít nước là bàng quang tăng hoạt. Tình trạng này có thể ảnh hưởng nhiều đến tâm lý, làm giảm chất lượng cuộc sống, nên nếu bạn đang ở trong tình trạng như vậy thì nên điều trị kịp thời để cải thiện cuộc sống. 

Thay đổi thói quen 

Các liệu pháp thay đổi hành vi được xem là bước đầu tiên trong điều trị bàng quang tăng hoạt. Một số liệu pháp thay đổi hành vi bạn có thể áp dụng như:

- Hướng dẫn người bệnh viết nhật ký đi tiểu 

- Tập đi tiểu theo giờ: Hướng dẫn bệnh nhân khoảng thời gian thích hợp giữa 2 lần đi tiểu là 3-4 giờ và cố gắng kiềm chế khi có cảm giác buồn tiểu để tạo thói quen cho bàng quang.

- Điều chỉnh chế độ ăn uống: Hạn chế một số thức ăn và nước uống có tính lợi tiểu hoặc gây kích thích bàng quang như cafein, bia rượu, thức uống có đường...

- Một số kỹ thuật tập luyện: Tập kìm nén và kiểm soát tiểu gấp; tập luyện bàng quang; tập co thắt cơ sàn chậu;...

cac-bai-tap-kegel.jpg

Tập co thắt cơ sàn chậu với bài tập kegel

Các biện pháp dùng thuốc 

Ngày nay có nhiều thuốc được sử dụng để điều trị hội chứng bàng quang kích thích. Các thuốc kháng muscarinics có tác dụng làm giảm sự co bóp của cơ chóp bàng quang. Một số thuốc nhóm này đã được chứng minh là có hiệu quả tốt trong điều trị bàng quang tăng hoạt gồm có: Darifenacin, Fesoterodine, Oxybutynin...

Tuy nhiên, sử dụng những loại thuốc này có thể có gặp những tác dụng phụ như khô miệng, chóng mặt, mờ mắt, nhức đầu, tim đập nhanh, khó tiểu, táo bón...

Một số thuốc khác cũng có tác dụng lên bàng quang tăng hoạt, tuy nhiên cơ chế chưa rõ ràng như Flavoxate, các thuốc chống trầm cảm 3 vòng...