Tiểu rắt là vấn đề có thể gặp ở mọi đối tượng. Bệnh không quá nguy hiểm, nhưng lại gây ra không ít phiền toái, ảnh hưởng tới tâm lý, chất lượng cuộc sống của người mắc. Vậy cách trị tiểu rắt như thế nào cho hiệu quả? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!

Nguyên nhân tiểu rắt là do đâu?

Tiểu rắt là một dạng rối loạn tiểu tiện, biểu hiện bởi tình trạng đi tiểu nhiều lần trong ngày, nhưng lượng nước tiểu mỗi lần ra lại rất ít. Nguyên nhân gây tiểu rắt khá đa dạng, có thể do thói quen hoặc vấn đề bệnh lý.

Các nguyên nhân chủ quan như:

  • Do thói quen lạm dụng các đồ uống, thực phẩm có tác dụng lợi tiểu như trà, cà phê,…
  • Do tác dụng phụ của một số loại thuốc ảnh hưởng lên hệ tiết niệu như thuốc điều trị tăng huyết áp, thuốc giãn cơ,…
  • Tình trạng nóng trong người hoặc các vấn đề tâm lý như căng thẳng, stress kéo dài,… cũng là nguyên nhân thường gặp.
  • Phụ nữ mang thai, nhất là vào những tháng cuối của thai kỳ, thai nhi lớn lên gây chèn ép bàng quang, kích thích và giảm sức chứa của bàng quang.
  • Đôi khi, do quan hệ tình dục quá thô bạo hoặc vệ sinh vùng kín không đúng cách gây tổn thương tức thời lên hệ tiết niệu.

Nguyên nhân do bệnh lý:

  • Viêm nhiễm đường tiết niệu: Viêm thận - bể thận, viêm bàng quang,...
  • Do suy giảm chức năng thận: Thận ứ nước, thận hư, suy thận,…
  • Do hội chứng bàng quang tăng hoạt (bàng quang kích thích).
  • Nguyên nhân do sỏi đường tiết niệu, đặc biệt là sỏi bàng quang.
  • Do vấn đề bệnh lý tuyến tiền liệt hoặc vùng lân cận như viêm trực tràng, ung thư trực tràng, u xơ tử cung, viêm nhiễm phần phụ,… gây chèn ép, xâm lấn và kích thích cơ bàng quang.

benh-ly-tren-duong-tiet-nieu-la-nguyen-nhan-pho-bien-nhat-gay-chung-tieu-rat.webp

Bệnh lý trên đường tiết niệu là nguyên nhân phổ biến nhất gây chứng tiểu rắt

Tiểu rắt lâu ngày có nguy hiểm không?

Tiểu rắt không gây nguy hiểm lớn đến tính mạng, tuy nhiên lại khiến người bệnh cảm thấy khó chịu, mệt mỏi, ảnh hưởng nhiều tới tâm lý và chất lượng cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Nếu tình trạng tiểu rắt kéo dài sẽ gây ảnh hưởng tới hoạt động của cơ bàng quang nói riêng và hệ tiết niệu nói chung. Hơn nữa, nó còn là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý ác tính. Do đó, việc phát hiện và điều trị sớm vấn đề này là vô cùng cần thiết.

Các cách trị tiểu rắt hiện nay

Hiện nay, có rất nhiều cách trị tiểu rắt và sẽ dựa trên nguyên nhân để lựa chọn phương pháp phù hợp. Nếu do các nguyên nhân chủ quan thì bạn cần thay đổi thói quen sinh hoạt. Còn nếu là do bệnh lý thì cần tiến hành điều trị gốc rễ. Việc điều trị thường cần phối hợp các phương pháp với nhau. Cụ thể: 

Thuốc điều trị tiểu rắt phổ biến

 Một số loại thuốc sử dụng trong điều trị tiểu rắt thường được bác sĩ kê đơn như:

  • Các thuốc kháng cholinergic như hyoscyamine, solifenacin (vesicare),…: Giúp làm giảm co thắt cơ bàng quang, nhờ đó giảm tình trạng tiểu rắt do mất kiểm soát bàng quang.
  • Thuốc kháng sinh: Nếu nguyên nhân do nhiễm trùng đường tiết niệu, bác sĩ sẽ kê một số kháng sinh như: Nhóm fluoroquinolon (ofloxacin, levofloxacin,…), augmentin, nhóm cephalosporin,…
  • Nam giới tiểu rắt thường do phì đại tuyến tiền liệt mức độ nhẹ và trung bình: Thuốc ức chế 5 alpha-reductase (finasteride, dutasteride), hoặc nhóm chẹn alpha-adrenergic (như terazosin, doxazosin, tamsulosin, alfuzosin),... với các hoạt động là làm giãn cơ cổ bàng quang và các sợi cơ trong tuyến tiền liệt sẽ giúp làm giảm vấn đề rối loạn tiểu tiện hiệu quả.
  • Nếu tiểu rắt do sỏi giai đoạn đầu gây nên, có thể bác sĩ sẽ khuyên bạn dùng các thuốc lợi tiểu nhằm giúp tăng khả năng đào thải sỏi.
  • Tiêm botox vào cơ bàng quang giúp cho bàng quang được thư giãn, tăng khả năng lưu trữ nước tiểu và giảm tình trạng rò rỉ nước tiểu.

Ngoài các thuốc trị nguyên nhân bệnh như trên, bạn cần được bổ sung thêm một số dưỡng chất hỗ trợ cải thiện vấn đề đi tiểu rắt như: L- arginine, Soy isoflavones, kẽm, iod,...

thuoc-tay-y-chua-tieu-rat-cho-hieu-qua-ngay-lap-tuc (1).webp

Thuốc tây y chữa tiểu rắt cho hiệu quả ngay lập tức

Điều trị bằng phẫu thuật

Phẫu thuật trị tiểu rắt thường áp dụng đối với các nguyên nhân do ung thư, u xơ hoặc không đáp ứng với các cách điều trị khác. Một số phương pháp phẫu thuật giúp điều trị chứng tiểu rắt thường gặp như: 

  • Phẫu thuật cắt khối u bàng quang, tái tạo cơ bàng quang,…
  • Phẫu thuật cấy thiết bị kiểm soát các kích thích của dây thần kinh, tác động lên bàng quang và cơ sàn chậu.
  • Điều trị phẫu thuật thay thế hoặc cắt bỏ thận suy do sỏi thận, viêm đài-bể thận giai đoạn muộn không thể điều trị bảo tồn.
  • Phẫu thuật giải phóng các khối u trong ổ bụng gây chèn ép, kích thích bàng quang như u trực tràng, u xơ tử cung, ung thư buồng trứng,…
  • Phẫu thuật nội soi tán sỏi ngược dòng, mổ mở lấy sỏi,… để giải quyết tình trạng sỏi đường tiết niệu.

Cách trị tiểu rắt tại nhà đơn giản

Luyện tập, sử dụng thảo dược là những cách giúp cải thiện tốt tình trạng tiểu rắt. Bên cạnh việc dùng thuốc, người bệnh nên phối hợp các cách này tại nhà để nâng cao hiệu quả. Cụ thể:

Dùng biện pháp tập luyện

Tập Kegels giúp tăng cường các cơ vùng chậu, tăng sức khỏe bàng quang, tăng khả năng chứa nước tiểu tại bàng quang, hạn chế tiểu rắt như sau: Đầu tiên bạn thắt chặt các cơ để ngừng đi tiểu, giữ chúng trong khoảng 5 – 10 giây, sau đó thả lỏng khoảng 10 giây và lặp lại 10 lần. Duy trì bài tập này đều đặn mỗi ngày 3 lần sẽ giúp kiểm soát tốt các triệu chứng của rối loạn chức năng bàng quang.

bai-tap-kegels-giup-ho-tro-dieu-tri-tieu-rat-hieu-qua.webp

Bài tập Kegels giúp hỗ trợ điều trị tiểu rắt hiệu quả

>>> XEM THÊM: Tình trạng tiểu rắt tiểu buốt không nên ăn những thực phẩm nào?

Dùng thảo dược hỗ trợ điều trị tiểu rắt

Ngoài điều trị theo tây y kể trên thì một số liệu pháp an toàn từ thảo dược cũng mang lại hiệu quả hỗ trợ cải thiện tiểu rắt vượt trội. Các vị thuốc thảo dược, bài thuốc dân gian thường được kể đến như: 

  • Bạch tật lê: Từ xa xưa, vị thuốc này thường được phối hợp trong các bài thuốc điều trị sỏi thận và chữa đái dầm hiệu quả ở trẻ em. Với công dụng chính là lợi tiểu, làm tăng trương lực cơ, giãn cơ bàng quang. Bạch tật lê giúp làm tăng khả năng chứa và giữ nước tiểu trong bàng quang, hạn chế các vấn đề rối loạn tiểu tiện, đặc biệt là tiểu rắt. Nghiên cứu chứng minh bạch tật lê có khả năng kháng khuẩn đã được thực hiện tại Iraq. Do vậy, đây là vị thuốc hiệu quả chữa nhiễm khuẩn đường tiết niệu.
  • Bột sắn dây: Theo đông y, bột sắn dây có tính mát, vị ngọt, đi vào kinh phế, tỳ và bàng quang. Thường được sử dụng để giải rượu, thanh nhiệt, thông đường tiết niệu, trị nóng trong người. Mỗi ngày dùng 10g bột sắn dây nguyên chất pha với nước uống sẽ giúp thanh nhiệt, hạn chế tiểu rắt.
  • Hạt bí ngô: Công dụng chính giúp hỗ trợ tăng trương lực cơ vòng, cơ đáy bàng quang. Chiết xuất hạt bí ngô được dụng nhiều trong hỗ trợ điều trị hội chứng bàng quang kích thích và các trường hợp bệnh lý trên đường tiết niệu, suy thận. Từ đó, giúp làm giảm chứng tiểu rắt hiệu quả. Bạn có thể áp dụng bài thuốc: Dùng hạt bí ngô và hạt đậu tương rang lên rồi xay thành bột. Lấy 2 thìa cà phê hỗn hợp bột đó pha với 1 ly nước ấm uống trong ngày.
  • Cao chi tử: Với công dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, tiêu viêm, cao chi tử là vị thuốc có hiệu quả cao trong điều trị chứng tiểu tiện ít, tiểu khó, tiểu rắt.
  • Ngoài ra, còn các vị thuốc quý khác cũng cũng đem lại hiệu quả cho chứng tiểu rắt, tiểu nhiều lần như: Cao trinh nữ hoàng cung, cao hoàng cầm,…

bach-tat-le-cao-chi-tu-san-day-hat-bi-ngo-giup-cai-thien-tieu-rat.webp

Bạch tật lê, cao chi tử, sắn dây, hạt bí ngô,… giúp cải thiện tiểu rắt

Biện pháp phòng ngừa, hạn chế tiểu rắt hiệu quả

Bên cạnh việc sử dụng thuốc cùng các liệu pháp từ thảo dược, bạn có thể phòng ngừa và khắc phục vấn đề tiểu rắt bằng cách:

  • Điều chỉnh chế độ ăn uống và thói quen sinh hoạt: Bạn nên hạn chế thực phẩm gây kích thích bàng quang, tác dụng lợi tiểu nhiều như: Caffeine, rượu, đồ uống có gas, các sản phẩm làm từ cà chua, socola, chất làm ngọt nhân tạo và thức ăn cay,... 
  • Chế độ ăn các thực phẩm giàu chất xơ có thể giúp bạn cải thiện lượng nước tiểu qua niệu đạo.
  • Nghỉ ngơi hợp lý, tránh tình trạng căng thẳng, stress, mất ngủ,…
  • Sinh hoạt tình dục lành mạnh, hợp lý. Nên vệ sinh sạch sẽ vùng kín sau mỗi lần quan hệ cũng như hàng ngày để tránh viêm nhiễm đường tiết niệu.
  • Luyện tập thể dục, vận động thường xuyên, duy trì cân nặng phù hợp,  cân đối. Vì khi khối lượng cơ thể quá lớn sẽ chèn ép lên bàng quang và làm nặng hơn các triệu chứng rối loạn tiểu tiện.
  • Tập Kegels đều đặn để giúp tăng cường sức mạnh các cơ vùng chậu.
  • Thăm khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các bệnh lý đi kèm.

dieu-chinh-che-do-an-uong-luyen-tap-sinh-hoat-giup-phong-ngua-han-che-tieu-rat.webp

Điều chỉnh chế độ ăn uống, luyện tập, sinh hoạt giúp phòng ngừa hạn chế tiểu rắt

Tiểu rắt là tình trạng có thể gặp ở mọi đối tượng, làm ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống sinh hoạt của người bệnh. Cách trị tiểu rắt lý tưởng là phối hợp các biện pháp kiểm soát nguyên nhân, bài thuốc thảo dược bổ trợ và chế độ tập luyện, sinh hoạt ăn uống đều đặn. Hy vọng bài viết trên đã đem đến những kiến thức bổ ích giúp bạn sớm cải thiện tiểu rắt. Nếu còn bất cứ thắc mắc về cách trị tiểu rắt, bạn vui lòng ghi lại comment hoặc số điện thoại bên dưới phần bình luận để được giải đáp.

Link tham khảo

https://www.msdmanuals.com/home/kidney-and-urinary-tract-disorders/disorders-of-urination/urinary-incontinence-in-adults

https://www.webmd.com/urinary-incontinence-oab/frequent-urination-causes-and-treatments

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/urinary-incontinence/diagnosis-treatment/drc-20352814