Đi tiểu là hoạt động sinh lý bình thường của cơ thể, giúp loại bỏ chất độc hại ra ngoài. Tuy nhiên, nếu bạn đi tiểu đêm thường xuyên (nhiều hơn 1 lần/đêm) thì có thể là dấu hiệu tiềm ẩn bệnh lý. Vậy tiểu đêm thường xuyên do nguyên nhân nào gây nên? Làm thế nào giảm tiểu đêm hiệu quả? Hãy cùng tìm hiểu câu trả lời trong bài viết sau đây!

Nguyên nhân nào gây tiểu đêm thường xuyên?

Tiểu đêm thường xuyên là tình trạng người mắc phải thức dậy nhiều hơn 1 lần mỗi đêm để đi tiểu. Rối loạn tiểu tiện này gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người mắc. Vậy nguyên nhân nào gây tiểu đêm thường xuyên?

Bàng quang tăng hoạt (OAB): Bàng quang tăng hoạt hay bàng quang bị kích thích, tăng co bóp, gây ra biểu hiện đi tiểu nhiều lần vào cả ban ngày và ban đêm. Bàng quang tăng hoạt thường gặp ở những người trẻ thường xuyên bị căng thẳng, stress, thức khuya; Sử dụng các chất kích thích như bia, rượu, cà phê, nước uống có ga, đồ uống tăng lực; Thanh thiếu niên ở giai đoạn dậy thì do thay đổi nội tiết tố hoặc chị em phụ nữ sau sinh bị yếu cơ vùng chậu,…

Nhiễm trùng đường tiết niệu: Hệ thống tiết niệu bao gồm thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo, giúp cơ thể đào thải nước tiểu ra ngoài. Vi khuẩn từ bên ngoài có thể xâm nhập vào từ đường tiết niệu, gây nhiễm trùng, kích thích bàng quang, dẫn đến đi tiểu đêm nhiều.

Sỏi tiết niệu: Sự xuất hiện của sỏi làm cản trở đường dẫn nước tiểu ra ngoài, đồng thời gây kích ứng bàng quang, dẫn đến đi tiểu nhiều, kèm theo tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu đục,... cả ban ngày lẫn ban đêm.

soi-tiet-nieu-gay-cang-tuc-bung-duoi.png

Sự xuất hiện của sỏi làm cản trở đường dẫn nước tiểu ra ngoài

Cách cải thiện tiểu đêm thường xuyên là gì?

Tiểu đêm thường xuyên có thể gây xáo trộn giấc ngủ, khiến tinh thần của người mắc luôn trong trạng thái mệt mỏi, giảm hiệu suất làm việc vào ban ngày. Do đó, để cải thiện tình trạng này, người mắc nên lưu ý một số vấn đề sau:

Chế độ ăn uống hợp lý

- Duy trì lối sống lành mạnh, điều độ, hạn chế uống rượu, bia, cà phê, nước có ga và không hút thuốc lá.

- Tăng cường ăn nhiều rau xanh, chất xơ để giảm tình trạng táo bón (táo bón có thể làm tăng áp lực lên bàng quang, gây đi tiểu nhiều), không ăn quá nhiều thịt, muối, các gia vị nóng và chất ngọt (những thực phẩm này dễ kích thích bàng quang).

- Hạn chế ăn các thực phẩm có nhiều axit như cam, chanh, cà chua,…vì chúng có thể gây kích ứng bàng quang, dẫn đến đi tiểu nhiều hơn.

Lối sống lành mạnh

- Luyện tập thể dục, thể thao thường xuyên, giữ tinh thần thoải mái, vui vẻ, giảm lo lắng, căng thẳng và stress.

- Duy trì cân nặng hợp lý vì trọng lượng cơ thể quá lớn sẽ chèn ép lên bàng quang và làm nặng hơn các rối loạn tiểu tiện.

- Đi tiểu trước khi đi ngủ, giảm bớt lượng nước uống trong vòng 2 - 4h trước đó.

- Thực hiện bài tập giúp tăng cường các cơ vùng chậu: Thắt chặt các cơ để ngừng đi tiểu, giữ chúng trong khoảng 5 – 10 giây rồi thả lỏng khoảng 10 giây và lặp lại 10 lần. Duy trì bài tập này thường xuyên, mỗi ngày 3 lần sẽ giúp bạn kiểm soát hoạt động của bàng quang.