Tiểu không tự chủ là tình trạng như thế nào? Nguyên nhân nào gây ra tiểu không tự chủ? Tại sao tiểu không tự chủ lại thường gặp ở nữ giới? Các triệu chứng của tiểu không tự chủ là gì? Bạn có hàng tá câu hỏi về căn bệnh này nhưng không dám mở lời, bạn mong muốn tìm lời giải đáp cho những băn khoăn trong lòng. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn!

Tiểu không tự chủ là tình trạng như thế nào?

Tiểu không tự chủ (tiểu són, tiểu không kiểm soát) là tình trạng bàng quang mất kiểm soát, gây rò rỉ nước tiểu. 

Tiểu không tự chủ có thể xảy ra khi các cơ bàng quang đột nhiên thắt chặt và các cơ vòng không đủ mạnh để chèn ép niệu đạo. Chỉ cần một kích thích nhẹ như cười, ho, hắt hơi là bạn đã không kiểm soát được, đôi khi còn són cả ra quần. 

Nguyên nhân nào gây ra chứng tiểu không tự chủ?

Tiểu không tự chủ thường được gây ra bởi các vấn đề liên quan đến cơ và dây thần kinh giúp bàng quang giữ hoặc bài tiết nước tiểu. Một số nguyên nhân như mang thai, sinh con và mãn kinh cũng có thể gây ra tình trạng này vì sau quá trình sinh nở thì các cơ sàn chậu bị yếu đi, không có khả năng nâng đỡ bàng quang. 

Ngoài ra, tiểu không tự chủ còn do:

- Thừa cân: Thừa cân gây áp lực lên bàng quang làm giảm thể tích nước tiểu được chứa đựng. 

- Táo bón: Táo bón có thể gây căng thẳng hoặc áp lực lên cơ bàng quang và sàn chậu. 

- Tổn thương thần kinh: Các dây thần kinh bị tổn thương có thể gửi tín hiệu đến bàng quang không đúng hoặc hoàn toàn không gửi tín hiệu. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có thể là sinh nở hoặc các vấn đề sức khỏe như tiểu đường…

- Phẫu thuật: Bất kỳ phẫu thuật nào liên quan đến cơ quan sinh sản của phụ nữ, chẳng hạn như cắt tử cung, đều có thể làm suy yếu cơ sàn chậu. Điều này có thể gây ra tiểu không tự chủ. 

Đôi khi tình trạng tiểu không tự chủ chỉ xảy ra trong thời gian ngắn vì những lý do khác, bao gồm:

- Thuốc: Tiểu són có thể là tác dụng phụ của một số loại thuốc như thuốc lợi tiểu, thuốc điều trị huyết áp. Sự không tự chủ thường biến mất khi bạn ngừng thuốc. 

- Cafein: Đồ uống chứa cafein có thể khiến bàng quang đầy nhanh chóng, làm bạn dễ rò rỉ nước tiểu. 

- Nhiễm trùng: Nhiễm trùng đường tiết niệu và bàng quang có thể gây ra tiểu không tự chủ trong thời gian ngắn.

nhiem-trung-duong-tiet-nieu.jpg

Nhiễm trùng đường tiết niệu và bàng quang có thể gây ra tiểu không tự chủ

Các triệu chứng của tiểu không tự chủ là gì?

Tiểu không tự chủ là vấn đề sức khỏe liên quan đến bàng quang và cơ sàn chậu. Ngoài tiểu không tự chủ, một số triệu chứng khác có thể gặp phải như:

- Áp lực hoặc co thắt ở vùng xương chậu khiến bạn muốn đi tiểu mạnh.

- Đi vệ sinh nhiều hơn bình thường (hơn 8 lần một ngày hoặc hơn hai lần vào ban đêm).

- Đi tiểu trong khi ngủ (đái dầm).

Tại sao tiểu không tự chủ ảnh hưởng đến phụ nữ nhiều hơn nam giới?

Tỷ lệ phụ nữ mắc tiểu không tự chủ gấp đôi nam giới. Điều này được giải thích là vì những quá trình sinh lý ở phụ nữ như mang thai, sinh nở và mãn kinh ảnh hưởng đến bàng quang, niệu đạo và các cơ hỗ trợ cơ quan này. Ngoài ra, niệu đạo của phụ nữ ngắn hơn niệu đạo nam. Bất kỳ tổn thương nào đến niệu đạo của phụ nữ đều có khả năng gây tiểu không tự chủ. 

Tiểu không tự chủ có thể xảy ra với phụ nữ ở mọi lứa tuổi, nhưng nó phổ biến hơn ở phụ nữ lớn tuổi, do sự thay đổi nội tiết tố trong thời kỳ mãn kinh. Một báo cáo cho thấy hơn 4 trong 10 phụ nữ từ 65 tuổi trở lên bị tiểu không tự chủ.