Tiểu rắt tiểu nhiều lần gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống, sinh hoạt của người mắc. Thậm chí, rối loạn tiểu tiện này còn khiến nhiều người mất việc, sức khỏe giảm sút. Vậy cách cải thiện tiểu rắt tiểu nhiều lần là gì? Để có câu trả lời cho thắc mắc trên, mời bạn đọc cùng tìm hiểu những thông tin trong bài viết sau đây nhé!
Tại sao thường xuyên bị tiểu rắt tiểu nhiều lần?
Phản xạ đi tiểu bình thường là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa các nhóm cơ: Cơ trơn bàng quang, cơ thắt niệu đạo trong, cơ thắt niệu đạo ngoài và nhóm cơ sàn chậu. Trong đó:
- Nhóm cơ trơn bàng quang có tác dụng tống nước tiểu ra ngoài.
- Cơ thắt niệu đạo trong nằm ngay cạnh cổ bàng quang, có tác dụng đóng chặt lỗ niệu đạo, khiến nước tiểu không bị rò rỉ ra ngoài.
- Cơ thắt niệu đạo ngoài có tác dụng kiểm soát quá trình đi tiểu.
- Cơ sàn chậu nằm ngay bên dưới bàng quang, có tác dụng giữ cho các cơ quan vùng chậu ở đúng vị trí và giúp cho ống niệu đạo đóng lại đều đặn.
Sau khi bàng quang đầy sẽ kích thích các cơ ở thành bàng quang gửi tín hiệu lên hệ thần kinh. Tín hiệu được gửi lên trung tâm mót tiểu ở cầu não (đóng vai trò điều phối hoạt động của bàng quang và cơ thắt sao cho chúng hoạt động nhịp nhàng với nhau) rồi tới vỏ não (trung tâm kiểm soát đi tiểu). Từ vỏ não, các xung động đi xuống chỉ huy co thắt hoặc giãn cơ vòng niệu đạo ngoài để kiểm soát việc đi tiểu.
Như vậy, có thể thấy, quá trình đi tiểu bình thường cần sự kết hợp nhuần nhuyễn của các nhóm cơ. Nếu cơ bàng quang và vùng chậu bị suy yếu, rối loạn sẽ kích thích bàng quang, gây tiểu rắt tiểu nhiều lần.
Thường xuyên tiểu rắt tiểu nhiều lần – Làm sao để cải thiện?
Thường xuyên tiểu rắt tiểu nhiều lần gây ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt, thậm chí sức khỏe của người mắc. Vậy cách cải thiện là gì?
Uống đủ nước mỗi ngày
Nhiều người mắc chứng tiểu rắt tiểu nhiều lần có suy nghĩ hạn chế uống nước sẽ cải thiện rối loạn tiểu tiện này. Tuy nhiên, đây lại chính là nguyên nhân gây viêm nhiễm, không thể loại bỏ độc tố và đào thải vi khuẩn có hại ra ngoài.
Có thể thay thế nước lọc bằng việc uống trà xanh vì thức uống này có tác dụng rất tốt trong việc chống viêm, chống oxy hóa nhờ chứa các hợp chất như vitamin A, B, C, E, alkaloid, flavonoid,… Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, uống trà xanh hàng ngày có thể giúp cải thiện tình trạng viêm đường tiết niệu, giảm tiểu rắt tiểu nhiều lần. Tuy nhiên, không nên uống trà xanh vào buổi tối vì có thể gây mất ngủ.
Uống đủ nước mỗi ngày giúp cải thiện tiểu rắt tiểu nhiều lần
Luyện tập thể dục thường xuyên
Tập luyện thường xuyên giúp tăng cường sức khỏe cho cơ thể, nâng cao sức đề kháng. Có thể tập luyện nhẹ nhàng bằng các bài tập như yoga hoặc đi bộ. Nên tăng cường độ tùy theo tình trạng sức khỏe bằng các bộ môn như chạy bộ hoặc đánh bóng, bóng đá,…
Nên dành thời gian thực hiện các bài tập đơn giản như kegel, tốt cho cơ bàng quang, cơ sàn chậu. Đây là bài tập giúp tăng cường các cơ xung quanh bàng quang, cải thiện rối loạn tiểu tiện như tiểu rắt tiểu nhiều lần. Để thực hiện bài tập này, bạn cần xác định vùng cơ mu - cụt bằng cách ngừng tiểu khi đang đi tiểu và cảm nhận sự hoạt động của cơ này. Sau đó, hãy ngồi ở tư thế thoải mái, cố gắng siết chặt và thả lỏng các cơ mu - cụt từ 10 đến 15 lần liên tiếp. Nên lặp lại các động tác này vài lần trong ngày. Tuy nhiên, có thể sẽ phải mất một vài tháng mới thấy hiệu quả.
Lối sống lành mạnh
Người mắc chứng tiểu rắt tiểu nhiều lần nên tắm bằng nước ấm. Đặc biệt, nên ngâm nửa dưới cơ thể trong nước ấm sẽ giúp giảm đau và thư giãn cơ bụng dưới khá tốt. Ngoài ra, tắm nước ấm giúp lưu thông khí huyết cho cơ thể.
Mắc chứng tiểu rắt tiểu nhiều lần có thể do phì đại tuyến tiền liệt. Chính vì thế, người mắc nên cải thiện tình trạng này bằng cách đơn giản như không nên ngồi một tư thế trong thời gian dài, cố gắng thay đổi bằng cách đứng dậy và đi lại sau 30 phút. Nếu phải ngồi nhiều thì nên sử dụng đệm mềm hoặc bơm hơi để giảm áp lực đến tuyến tiền liệt.
Viết nhật ký đi tiểu
Viết nhật ký đi tiểu là việc làm cần thiết nhưng bị khá nhiều người bỏ qua. Trong nhật ký, người bệnh nên ghi lại mức độ căng thẳng, thức ăn, đồ uống, cường độ tập thể dục, số lần xuất hiện các cơn đau cũng như tần suất đi tiểu trong ngày để tiện theo dõi và điều chỉnh.